Những loại thực phẩm giúp phòng táo bón ở trẻ

Dưới đây là những loại thực phẩm nên bổ sung vào chế độ ăn của trẻ để giúp trẻ phòng ngừa táo bón:

1. Nước

Cần cho con bạn uống đủ nước, ít nhất một lít nước mỗi ngày để phòng táo bón và đảm bảo sức khỏe chung.

2. Chuối

Cho con ăn 1, 2 quả chuối mỗi ngày. Bạn có thể nghiền nát chuối nếu răng bé chưa mọc đầy đủ. Chuối rất giàu chất xơ có thể giúp giảm táo bón.

3. Táo

Bạn có thể luộc một quả táo và nghiền nát cho trẻ ăn. Táo giàu chất chống oxy hóa và chất xơ giúp giảm táo bón.

4. Dầu oliu

Nếu con bạn bị táo bón nghiêm trọng, bạn có thể cho trẻ ăn một thìa dầu oliu, cách này sẽ giúp bôi trơn ruột và làm mềm phân, do vậy giúp giảm triệu chứng táo bón.

5. Lô hội

Trộn một thìa nước ép lô hội với nước ấm và cho trẻ uống, bạn có thể giúp giảm bớt tình trạng táo bón của con vì lô hội rất giàu chất xơ.

6. Sữa đông

Sữa đông có khả năng thúc đẩy các vi khuẩn lành mạnh trong ruột, do vậy điều chỉnh nhu động ruột một cách dễ dàng.

7. Nước cam

Nước cam giàu vitamin C và hàm lượng nước, nó cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Vì vậy cho trẻ uống nước cam hàng ngày vừa giúp giảm táo bón vừa tăng cường sức khỏe chung của trẻ.

BS Cẩm Tú

(Theo Boldsky)

Mang thai ở người điều trị thai ngoài tử cung

Câu hỏi:Thưa bác sỹ, em đã tiêm MTX điều trị TNTC vòi trứng phải. Nếu sau này noãn từ vòi trứng phải phóng ra và quan hệ, thì liệu em có bị TNTC nữa không ạ. Và nếu như vậy, em muốn có thai an toàn thì phải đi soi canh trứng bên trái đúng không thưa bác sỹ? Và để mang thai an toàn, em nên đi thăm khám những gì và trong bao lâu ạ.

Trả lời:

BS. Lê Huy Tuấn-Chuyên khoa Sản-Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội, cho biết:

Nếu bạn bị chửa ngoài tử cung ở vòi trứng phải và tiêm thuốc MTX thì vòi trứng phải coi như bị tắc và trứng ở buồng trứng phải sẽ không vào tử cung được nữa.

Chỉ có trứng ở buồng trứng trái khi phóng noãn sẽ theo vòi trứng trái vào tử cung gặp tinh trùng thì thụ thai thôi.

Bạn siêu âm theo dõi phóng noãn thì lưu ý buồng trứng trái hơn

Khi ổn định (có thể sau 3 tháng) bạn hãy đi khám:

- Khám phụ khoa xem có mắc bệnh gì không.

- Siêu âm đầu dò âm đạo kiểm tra tử cung, niêm mạc tử cung, buồng trứng, trứng.

- Chụp tử cung vòi trứng xem cụ thể thế nào.

- Xét nghiệm định lượng nội tiết xem có gì bất thường không, làm xét nghiệm máu xem yếu tố RH như thế nào.

BS. Lê Huy Tuấn

Xử trí khi cơ thể bị giữ nước

Hiện tượng giữ nước trong cơ thể gây phù nề là bình thường nếu bạn đang mang thai hoặc trong kỳ kinh. Ngoại trừ những trường hợp này, bạn cần cảnh giác vì dấu hiệu này phản ánh chế độ ăn uống mất cân bằng, phản ứng thuốc, mãn kinh, bệnh tuyến giáp, gan hoặc thận. Có một số cách có thể xử trí tại nhà:

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước hơn có tác dụng giảm giữ nước nhưng cần đảm bảo lượng nước hấp thu rải đều trong ngày. Uống nhiều nước trong thời gian ngắn có thể dẫn tới ngộ độc nước.

Hạn chế muối và đường

Muối gây ứ nước ở mô và thừa muối nghĩa là cơ thể bị tích nước. Đường làm tăng hàm lượng insulin trong cơ thể, giảm khả năng loại bỏ muối natri của cơ thể. Vì vậy hãy hạn chế sử dụng hai loại này.

Lựa chọn thuốc lợi tiểu tự nhiên

Các thuốc lợi tiểu tự nhiên, giảm tích nước là nam việt quất, lá bắp cải sống. Những loại thực phẩm như giấm táo, trà xanh, cần tây và thì là cũng là các bài thuốc tự nhiên trong trường hợp này.

Trà thảo dược

Các loại trà thảo dược từ cây trà hoặc cây cần tây cũng giúp loại bỏ nước dư thừa ra khỏi cơ thể.

Tỏi

Ăn tỏi khi đói bụng vào buổi sáng có tác dụng lớn. Tỏi cũng giúp giảm các chất béo.

Chườm đá

Bọc đá viên trong một miếng vải mỏng và chấm nó quanh khu vực bị giữ nước. Nó sẽ khiến cho bạn nhẹ nhõm. Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

Hạn chế uống rượu

Rượu buộc cơ thể phải giữ nước nhiều hơn do vậy chỉ nên uống chừng mực.

BS Cẩm Tú

Theo Timesofindia

Cẩn thận với chứng nhiễm khuẩn rốn ở trẻ sơ sinh

BS. Nguyễn Thị Hòa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết:

`Sau đây là cách tự chăm sóc rốn cho bé tại nhà:

- Trong ngày đầu sau sinh, thường sau khi tắm bé, nhân viên y tế bôi dung dịch sát trùng lên cuống rốn để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

- 24 giờ sau sinh, khi mặt cắt rốn khô, có thể tháo kẹp rốn an toàn khỏi cuống rốn. Nên tháo kẹp rốn tại bệnh viện, trước khi trẻ sơ sinh được xuất viện về nhà. Kẹp rốn có thể cản trở trong khi thay tã tại nhà và có thể bị kéo giật lên, gây tổn thương chân rốn.

- Các bác sĩ cho phép che phủ rốn bằng một lớp gạc vô khuẩn không gòn trong 1-2 ngày đầu. Có nhiều nghiên cứu cho thấy bôi dung dịch cồn 70độ lên rốn mỗi ngày có thể làm chậm rụng rốn. Cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Giữ cho cuống rốn khô, để hở, cho phép cuống rốn tiếp xúc với không khí giúp cuống rốn mau khô. Quấn tã phía dưới rốn. Sau khi trẻ tiêu, tiểu cần thay tã ngay.

- Khi rốn chưa rụng, tránh không đặt trẻ vào thau tắm. Dùng khăn nhỏ mềm lau người trẻ, sau khi lau người trẻ, dùng que gòn lau chân rốn trẻ.

- Khi rốn rụng, có thể nhúng trẻ vào thau tắm.

- Một ít máu khô dính ở chân rốn có thể bình thường.

Tuy nhiên cần đưa trẻ đi khám ngay khi:

Khi trẻ sơ sinh sốt cần mang trẻ đi khám ngay. Có một số tình huống bệnh liên quan đến rốn cần mang trẻ đi khám:

- Nhiễm trùng rốn: nếu thấy dấu hiệu đỏ, nóng, sưng hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, hoặc có nhiều dịch tiết quanh chân rốn, đặc biệt có mùi hôi, cần mang trẻ đi bệnh viện khám ngay. Đây là trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn và vùng da quanh rốn, có thể nguy hiểm, cần được điều trị tại bệnh viện.

- U hạt rốn: nếu thấy chân rốn rỉ dịch vàng kéo dài, không kèm dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, hoặc ấn đau vùng da quanh rốn, trẻ không nóng sốt, có thể trẻ bị u hạt rốn. Tại bệnh viện, u hạt rốn được điều trị với nitrate bạc.

- Rỉ máu rốn kéo dài: nếu thấy chân rốn rỉ máu nhiều và kéo dài, có thể là dấu hiệu của bệnh lý đông máu, cần đi khám bác sĩ.`

BS. Nguyễn Thị Hòa

Khoảng 2 năm sau khi xạ trị mới nên có con

Câu hỏi: Bác sĩ cho em hỏi: chồng em trị xạ u não xong đã sử dụng thuốc là sau đợt điều trị ngày hút 2 điếu trở lên hiện giờ có hiện tượng đau đầu khó thở tức ngực vậy hút thuốc lá sau khi trị xạ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và có khả năng làm cái u phát triển không?và trị xạ xong có còn khả năng có con không nếu có thì sau bao lâu?

Trả lời: BS. Nguyễn Thị Hòa - Bác sĩ đa khoa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa

Thuốc lá nhìn chung tác hại đến tất cả các cơ quan trong cơ thể.

Các căn bệnh hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư: 30% tất cả các lọai ung thư. Ung thư phế quản đứng đầu danh sách kế đến là ung thư các cơ quan khác có thể kể ra là: thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạy dày, tụy tạng, bàng quang, thận; cổ tử cung, và vú ở nữ. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phế quản gấp 15 lần, hầu – thanh quản gấp 10 lần, thực quản gấp 7 lần, khoang miệng và thận gấp 4 lần, bàng quang gấp 3 lần, tụy tạng gấp 2 lần. Người hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc ung thư máu, ung thư não cao hơn người bình thường. Chồng bạn bị ung thư não và đang xạ trị nên chắc chắn là việc hút thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khối u và quá trình điều trị. Chồng bạn nên sớm ngừng việc hút thuốc để tránh làm cho quá trình điệu trị trở lên xấu đi và có thể gây ra một số bệnh lý nguy hiểm khác ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xạ trị không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư, mà nó cũng có thể gây tổn hại tới các tế bào bình thường, dẫn đến các tác dụng phụ, trong đó có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của bệnh nhân. Tuy nhiên ảnh hưởng thường chỉ là tạm thời, sau khi xạ trị hầu hết bệnh nhân vẫn có khả năng có con.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân ung thư nên chờ khoảng 2 năm sau khi xạ trị mới nên có con. Điều này sẽ giúp cơ thể không còn bị ảnh hưởng bởi ung thư và quá trình điều trị. Do đó, sức khỏe của em bé sẽ được đảm bảo tốt hơn.

BS Nguyễn Thị Hòa

4 triệu chứng ở mắt không nên bỏ qua

1. Nhìn mờ

Mắt khô và mỏi có thể xuất hiện khá thường xuyên đặc biệt khi bạn mệt mỏi hoặc căng mắt. Nhưng nhìn mờ một bên mắt hoặc nhìn mờ kéo dài và liên tục là dấu hiệu không bình thường. Nếu chỉ có một phần thị trường bị ảnh hưởng đây có thể báo hiệu bệnh lý nghiêm trọng hơn ở não. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám bác sĩ.

2. Mắt đỏ

Mắt đỏ có thể là do dị ứng ở mắt, đặc biệt nếu bạn bị viêm mũi dị ứng hoặc do các yếu tố môi trường như bụi hoặc tiếp xúc với khói mù. Nếu mắt quá khô và căng, các mạch máu nhỏ ở lòng trắng có thể bị vỡ gây ra những chấm máu trong mắt. Nếu xuất hiện các triệu chứng khác kèm theo như mắt có dử, nóng rát hoặc sưng , hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt vì bạn có thể bị nhiễm trùng mắt hoặc viêm kết mạc.

3. Nhìn thấy “ruồi bay” hoặc lóa

“Ruồi bay” là hiện tượng nhìn thấy các đốm nhỏ lướt qua trước mắt. Khi bạn về già chất giống như gel (dịch kính) lấp đầy bên trong hốc mắt bị thoái hóa gây nên hiện tượng vón cục. Chúng chuyển động khi mắt cử động và có vẻ chạy ra xa khi bạn cố nhìn thẳng vào chúng. Lóa là sự xuất hiện ánh sáng nhấp nháy hoặc vệt sáng cũng là kết quả của quá trình lão hóa.

Mặc dù “ruồi bay” có vẻ đáng ngại nhưng chúng thường không phải là vấn đề nghiêm trọng và có thể chỉ là do kết quả của cận thị. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn thấy “ruồi bay” hoặc lóa mắt kéo dài hoặc nếu bị đau mắt bạn cần đi khám bác sĩ.

4. Đau và mỏi mắt

Đau và mỏi mắt nhẹ, thoáng qua thường không đáng ngại và có thể do thiếu ngủ hoặc dị ứng. Tuy nhiên nếu bạn bị đau mỏi mắt kéo dài hoặc mức độ nặng, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và cần đi khám sớm.

BS Cẩm Tú

Theo Yourhealth

(Univadis)

Ngăn ngừa bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ em

Trường hợp trẻ em đi đại tiện trên 3 lần mỗi ngày và phân có tính chất thay đổi như loãng, nhiều nước thì đó là dấu biệu của bệnh tiêu chảy. Lưu ý bệnh tiêu chảy cấp tính thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu xảy ra trên 2 tuần được gọi là bệnh tiêu chảy kéo dài.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng hàng trăm triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh tiêu chảy và mỗi trẻ em có thể mắc bệnh tiêu chảy từ 5 - 15 lần trong một năm; trong đó có hàng triệu trẻ em bị tử vong vì căn bệnh này. Ở nước ta theo các nhà khoa học, số trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy chiếm khoảng 22 - 25% số bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện; đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng cần được quan tâm. Chính vì lý do này nên hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả nước ta, đều có chương trình quốc gia phòng chống bệnh tiêu chảy trẻ em được triển khai thực hiện.

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, thường mắc bệnh tiêu chảy do ăn phải thức ăn, uống phải nước uống bị nhiễm vi khuẩn, virút. Trẻ cũng có thể mắc bệnh tiêu chảy trực tiếp do tiếp xúc với nguồn phân thải của người bị mắc bệnh. Thực tế nguồn bệnh tiềm ẩn từ những nguyên nhân khác nhau do những thói quen, tập quán của người lớn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ như không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn rau sống xử lý không sạch, uống nước lã chứa nhiều vi khuẩn, virút gây bệnh... Ngoài ra, có một số yếu tố khác như: trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc bị mắc một số bệnh như sởi, suy dinh dưỡng... Các nhà khoa học đã tìm ra nhiều tác nhân gây bệnh tiêu chảy khi tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm phân của người bệnh. Các tác nhân vi khuẩn, virút gây bệnh thường gặp là Rotavirus, Escherichia coli, Shigella, Vibrio cholerae; Salmonella, Campylobacter jejuni, Yersinia enterocolitica; ngoài ra các loại ký sinh trùng như: Lamblia giardia, Entamoeba histolytica... cũng có thể gây nên bệnh tiêu chảy.

virut rotavirus

Tác nhân gây bệnh tiêu chảy thực hiện theo cơ chế bệnh lý là các vi khuẩn, virút, ký sinh trùng bám dính lên tế bào thành ruột, có thể tiết ra độc tố. Các độc tố gây rối loạn chức năng tế bào biểu mô ruột, làm giảm hấp thụ chất natri và làm tăng xuất tiết chất clo; do đó nước và chất điện giải bị xuất tiết vào trong ruột nhiều hơn bình thường. Một số loại vi khuẩn khác có thể gây tổn thương biểu mô thành ruột. Các loại virút cư trú ở khoảng giữa các nhung mao biểu mô ruột non có khả năng hủy hoại tế bào biểu mô và làm cụt đi các nhung mao. Việc trao đổi nước và các chất điện giải tại ruột ở trẻ em bình thường và trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy rất khác nhau.

Bệnh cảnh lâm sàng của tiêu chảy

Bệnh cảnh lâm sàng của tiêu chảy thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ với biểu hiện của hội chứng tiêu hóa và triệu chứng sốt. Hội chứng tiêu hóa thường gặp là đi tiêu chảy nhiều lần trong ngày có khi tới 10 - 15 lần, phân lỏng, có nhiều nước. Phân có mùi chua hoặc khó ngửi, có nhiều chất mũi nhầy hoặc có máu. Bị mất nước và các chất điện giải, triệu chứng nôn ít hoặc nôn nhiều đều có thể làm tăng nguy cơ mất nước và các chất điện giải. Cần lưu ý triệu chứng mất nước là hậu quả của tiêu chảy và là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần đánh giá mức độ mất nước thật sớm để xử trí kịp thời và phù hợp. Nước trong cơ thể mất dưới 5% so với trọng lượng cơ thể là mất nước nhẹ, mất từ 5 - 9% là mất nước vừa và mất trên 10% là mất nước nặng. Trẻ em bị tiêu chảy cấp tính có thể mất từ 50 - 100g, thậm chí từ 300 - 500g nước trong một ngày. Nếu bị mất nước nhẹ, trẻ thường có triệu chứng quấy khóc, vật vã. Nếu bị mất nước vừa, trẻ có biểu hiện tình trạng khát nước nhiều, giảm khối lượng nước tiểu; quấy khóc hoặc lờ đờ, mắt trũng, khóc không có nước mắt, miệng khô, thở sâu và nhanh hơn bình thường; da mất tính đàn hồi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ. Nếu bị mất nước nặng, trẻ có biểu hiện khát nước nhiều, nước tiểu ít; rơi vào tình trạng lờ đờ, chân tay lạnh, mắt trũng, không có nước mắt khi khóc, miệng và môi khô nhiều, thở sâu và nhanh; da mất tính đàn hồi phải trên 2 giây, sờ môi thấy bình thường, thóp lõm, mạch nhanh nhỏ hoặc không bắt được, huyết áp tụt. Triệu chứng sốt cũng thay đổi tùy theo từng trường hợp, có một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy không sốt nhưng nếu tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn hoặc virút trẻ thường bị sốt. Các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ tìm được nguyên nhân bằng phương pháp cấy phân, soi phân tươi, đo độ pH của phân hoặc xét nghiệm để đánh giá rối loạn nước và chất điện giải bằng điện giải đồ, khối hồng cầu hematocrit, công thức bạch cầu...; khối hồng cầu hematocrit tăng khi có hiện tượng đặc máu, bạch cầu tăng khi có nhiễm khuẩn.

Bù nước và chất điện giải do bệnh gây ra gọi là điều trị phục hồi

Xử trí điều trị

Việc xử trí điều trị chống tình trạng mất nước và chất điện giải khá quan trọng vì thực tế có khoảng 80% các trường hợp trẻ em mắc tiêu chảy bị tử vong do bệnh lý này. Điều trị mất nước và chất điện giải nhằm mục đích bù nước và chất điện giải do bệnh gây ra gọi là điều trị phục hồi, cung cấp nước và chất điện giải cho cơ thể trong khi được điều trị gọi là điều trị duy trì và cung cấp nước và chất điện giải cho cơ thể trong điều kiện sinh lý bình thường. Trong điều trị, có thể đưa nước và chất điện giải vào cơ thể bằng cách uống, tiêm truyền qua đường tĩnh mạch, dùng ống thông mũi - dạ dày. Dung dịch dùng để uống được pha từ gói bột ORS gọi là dung dịch oresol. Một gói bột ORS thường có: clorua natri 3,5g; bicarbonat natri 2,5g; clorua kali 1,5g; glucose 20g được pha với 1 lít nước để sử dụng; hiện nay gói bột ORS được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau, vì vậy nên đọc kỹ cách pha chế ghi trên bao bì trước khi dùng. Nếu không có sẵn gói ORS để pha dung dịch oresol, có thể dùng dung dịch gồm 1 thìa cà phê muối (3,5g), 8 thìa cà phê đường (40g) pha với 1 lít nước hoặc dùng bột gạo nấu thành nước cháo với 5 thìa canh bột gạo (50g), 1 thìa cà phê muối (3,5g) và 1 lít nước đun sôi từ 2 - 5 phút; để có chất kali có thể cho thêm vào nước cháo vài thìa nước quả. Dung dịch dùng để tiêm truyền qua đường tĩnh mạch thường được sử dụng là loại huyết thanh NaCl 0,9%, huyết thanh glucose 5%, lactat hoặc acetat Ringer, dung dịch Darrow; các loại dịch truyền tĩnh mạch được chỉ định theo quy định của bác sĩ điều trị tùy từng trường hợp.

Sau khi đánh giá tình trạng mất nước, tùy theo mức độ để bù nước và chất điện giải cho phù hợp. Trong trường hợp mất nước nhẹ, cho uống dung dịch oresol với liều lượng 50 ml/kg cân nặng trong 4 giờ; nếu mất nước vừa cho uống 100 ml/kg cân nặng trong 4 giờ. Khi trẻ bị nôn nhiều, vẫn cứ cho uống nhưng uống từng thìa. Trường hợp trẻ hôn mê không uống được, cần tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch lactat Ringer với liều lượng 30 ml/kg cân nặng trong 1 giờ; sau đó đánh giá tình trạng mất nước và tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch này với liều lượng 70 ml/kg cân nặng trong 5 giờ; đối với trẻ trên 1 tuổi có thể tiêm truyền nhanh hơn. Tiếp tục đánh giá lại các triệu chứng mất nước, nếu trẻ có chuyển biến đỡ hơn cho uống dung dịch oresol với liều lượng 20 ml/kg cân nặng mỗi giờ. Nếu không có dung dịch lactat Ringer, có thể dùng dung dịch acetat Ringer hoặc dung dịch muối đẳng trương NaCl 0,9%. Trường hợp không tiêm truyền được, có thể bù nước qua ống thông mũi - dạ dày với liều lượng 20 ml/kg cân nặng trong mỗi giờ, tổng số là 120 ml/kg cân nặng.

Ngoài điều trị bù nước và chất điện giải, việc dinh dưỡng của trẻ cũng cần được lưu ý. Khi mắc bệnh tiêu chảy, trẻ thường bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vì tình trạng tiêu chảy, nôn, biếng ăn; vì vậy chế độ kiêng khem đối với trẻ là không hợp lý. Thực tế ngay trong thời kỳ cấp tính của bệnh tiêu chảy, ruột vẫn giữ được chức năng hấp thu các chất dinh dưỡng. Vì vậy ngay sau khi hồi phục nước và chất điện giải, cần cho trẻ bú sớm và không được bắt trẻ phải nhịn ăn. Đối với những trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa bò, sau khi đã bù nước và chất điện giải nên cho trẻ bú sữa pha loãng hơn lúc trẻ chưa mắc bệnh hoặc có thể cho bú sữa pha ORS với tỉ lệ 1/3 sữa và 2/3 bột ORS. Dần dần sau đó cho ăn theo chế độ bình thường. Khi trẻ đã khỏi bệnh tiêu chảy, mỗi ngày nên cho ăn thêm một bữa và ăn trong một tuần để nhanh lấy lại sức. Lưu ý tránh cho trẻ ăn nước cháo kéo dài hoặc kiêng khem không cho ăn các thức ăn có chất dinh dưỡng cao vì trong điều trị bệnh tiêu chảy không nên để cho trẻ bị thiếu hụt những chất dinh dưỡng cần thiết.

Việc sử dụng kháng sinh và một số loại thuốc khác được bác sĩ chỉ định thực hiện trong các trường hợp bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn như mắc bệnh tả, lỵ trực trùng, amíp cấp tính và những rối loạn khác... Đối với trường hợp đặc biệt như trẻ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng, trẻ bị tiêu chảy và sốt cao co giật; cần phải lưu ý một số vấn đề trong điều trị. Trẻ suy dinh dưỡng thường bị tiêu chảy, việc điều trị gặp khó khăn hơn trẻ có dinh dưỡng tốt; cần bù nước và chất điện giải như đã nêu ở trên nhưng giai đoạn duy trì kéo dài hơn, vì vậy phải dùng dung dịch oresol thời gian lâu hơn; đối với trẻ suy dinh dưỡng thể phù gọi là bệnh Kwashiorkor dễ tăng tình trạng phù và gây suy tim nên cần theo dõi chặt chẽ, cho trẻ ăn lại khẩu phần bình thường càng sớm càng tốt. Trẻ bị tiêu chảy có sốt cao co giật phải tìm ổ nhiễm trùng trong cơ thể ở tại tai, phổi, tiết niệu...; nếu trẻ sốt cao, cần điều trị như những trường hợp sốt cao với thuốc hạ nhiệt và thuốc an thần đề phòng co giật. Hiện nay nhờ sự cải tiến phương pháp và kỹ thuật điều trị bệnh tiêu chảy nên tỉ lệ tử vong do bệnh lý này đã giảm thiểu đến mức đáng kể; tuy nhiên công tác phòng bệnh tiêu chảy vẫn là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, nhất là đối với các trường hợp tiêu chảy cấp tính ở trẻ em.

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻĐể phòng ngừa bệnh tiêu chảy, trẻ phải được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, đồng thời cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh cần thiết. Nên cho trẻ bú ngay sữa mẹ sau khi sinh ra được vài giờ, trong 4 - 6 tháng đầu cần nuôi con bằng sữa mẹ; từ tháng thứ 6 trở đi có thể cho trẻ ăn thức ăn bổ sung. Các nhà khoa học khuyến cáo nên cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ đến 2 tuổi nếu có điều kiện vì sữa mẹ sạch, không bị nhiễm khuẩn, có nhiều chất diệt khuẩn như: tế bào bạch cầu, immunoglobin, lactoferin, lysozym. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý và quan trọng, có yếu tố phòng bệnh tiêu chảy tốt nhất cho trẻ đã được khẳng định. Nếu trẻ không có đủ sữa mẹ hoặc không có mẹ để bú sữa, có thể cho bú thêm sữa bò hoặc sử dụng sữa bò thay thế bằng cách dùng thìa hay bình sữa với núm vú cao su. Ngoài nguồn sữa mẹ, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là vấn đề cần thiết; từ tháng thứ 6 trở đi nên cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn giàu chất đạm, nhất chất đạm động vật; chất giàu năng tượng từ mỡ, dầu; nhiều loại vitamin A, B1, B6, muối khoáng, rau quả... Từ 1 tuổi trở lên nên cho trẻ ăn thêm cháo, cơm, rau, cá, thịt... Nguồn thức ăn phải bảo đảm tươi, không bị nhiễm khuẩn, được đun nấu kỹ và ăn nóng. Ngoài ra phải giữ gìn vệ sinh cần thiết như cho trẻ dùng nước uống tinh khiết, vệ sinh môi trường sống và sinh hoạt của trẻ, giáo dục trẻ giữ vệ sinh cá nhân, không uống nước lã, không ăn quả xanh, rửa tay trước khi ăn... để phòng bệnh tiêu chảy.Trẻ phải được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Trẻ bị lác, chữa muộn ảnh hưởng đến thị lực

Bệnh lác hay lé mắt không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhược thị và rối loạn thị giác. Do vậy, việc phát hiện và điều trị sớm mới hi vọng tìm lại đôi mắt đẹp về thẩm mỹ và tốt về chức năng là rất cần thiết.

Quan niệm sai lầm

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, ở nước ta có tới khoảng 2 - 3 triệu người bị lác. Điều đáng nói là hiện tượng lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều gia đình đưa trẻ đi khám, chữa muộn, gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì thực tế có đến 70% trẻ lác mắt có kèm các tật khúc xạ. Nhiều gia đình lúc mới sinh bé không phát hiện ra tình trạng lác mắt, cho tới 4 - 5 tháng tuổi, thấy em bé nhìn nghiêng đi khám mới phát hiện ra tình trạng lác mắt. Tuy nhiên, hiện nhiều bậc cha mẹ quan niệm trẻ sơ sinh yếu chưa khám vội để lớn chút nữa đi khám, đến khi lớn, đi khám các bác sĩ còn phát hiện cháu bị tật viễn thị nặng, đây là triệu chứng điển hình của những trẻ bị lác. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nhược thị và rối loạn thị giác.

Theo TS.BS. Nguyễn Văn Huy - Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, trẻ bị lác có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được khám phát hiện sớm, điều trị đúng.Nếu nghi ngờ trẻ bị lác, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

Nếu nghi ngờ trẻ bị lác, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

Có thể gây mất thị lực

TS.BS. Huy cho biết: Lác mắt (hay còn gọi là lé) là khi ta nhìn một vật phía trước hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia. Lác mắt gây biến đổi thị giác nghĩa là bình thường hai mắt nhìn song song gọi là đồng trục khi nhìn một vật ta thấy một vật, một hình nhưng khi lác thì trẻ nhìn một vật sẽ thành hai còn gọi là song thị.

Với trường hợp lác, cơ thể của trẻ đáp ứng hình ảnh bằng cách ứng chế những hình ảnh của một mặt vì vậy xuất hiện hiện tượng thị lực bên mắt bên bị lác giảm gọi là hiện tượng nhược thị. Bên cạnh đó, trường hợp bị lác còn gây mất sự phối hợp thị giác của hai mắt (mất thị giác hai mắt). Như vậy có thể nói lác mắt gây ảnh hưởng rất nặng, đầu tiên là giảm thị lực.

Lác mắt có kèm các tật khúc xạ khác

TS.BS. Huy cho biết, trẻ lác mắt thường đi kèm với các tật khúc xạ, một số trường hợp có thể bị cận thị, có thể là viễn, loạn thị. Thường là lác trong (mắt lệch vào trong) thường đi kèm với các tật viễn thị. Còn lác ngoài (mắt đưa ra ngoài) thường đi kèm với tật khúc xạ cận thị, đặc biệt là người bị cận thị nặng. Một số trường hợp lác còn kèm theo với loạn thị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lác, tuy nhiên hiện nay chưa xác định rõ ràng vì bản thân những trường hợp lác còn do sinh lý của phần nhãn. Ở một số trường hợp sinh non cũng có thể bị lác. Nhiều nghiên cứu cho rằng lác cũng có tính chất gia đình, do trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị lác thì con cũng có thể xuất hiện bị lác.

Cách phát hiện sớm trẻ lác

Cách phát hiện cũng đơn giản, bố mẹ hoặc người chăm sóc thường xuyên khi quan sát trẻ thấy hai mắt nhìn không cân, một mắt nhìn thẳng một mắt nhìn ra ngoài hoặc một mắt nhìn thẳng một mắt nhìn vào trong hoặc lên trên, xuống dưới. Trên thực tế lâm sàng các bác sĩ cho biết nhiều gia đình đưa trẻ đến khám lại nói rằng người phát hiện ra trẻ bị lác là cô giáo. Khi cô giảng bài nhìn thấy trẻ có hiện tượng hai mắt nhìn không đồng tâm, một mắt lệch so với mắt bên kia. Cũng có một số trường hợp trẻ kêu mỏi mắt, nhức mắt hoặc là khó chịu ở mắt. Thậm chí một số trường hợp trẻ nhìn kém đi khám bác sĩ cho biết trẻ kèm theo cả dấu hiệu lác. Ngoài cách quan sát thì có thể chiếu một nguồn sáng vào mắt trẻ sẽ thấy chính giữa tâm của lòng đen có 2 chấm phản quang sáng ở ngay chính giữa. Nếu mà rọi nguồn sáng như thế mà 2 chấm nằm chính giữa của 2 lòng đen 2 mắt đó không bị, còn nếu chấm đó nằm lệch một mắt, một nằm chính giữa thì mắt đó bị lác.

Không phải lác là phẫu thuật

Không phải trường hợp nào lác cũng cần phải phẫu thuật ngay. Đây là câu trả lời cho những băn khoăn của nhiều người, vì khi sinh bé phát hiện bị lác sợ phải phẫu thuật khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng về vấn đề sức khỏe của bé và nhiều vấn đề khác nữa. Điều quan trọng trẻ bị lác sẽ được các bác sĩ thăm khám và xác định xem có tật khúc xạ hay không, nếu có tật khúc xạ sẽ được đeo kính, nếu trẻ bị nhược thị thì phải tập để phục hồi thị lực. Sau khi trẻ đã đeo kính, tập phục hồi nhược thị sẽ được kiểm tra độ lác. Nếu vẫn còn lác lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để chỉnh cho 2 mắt thẳng. Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ nhìn cảm giác lác nhưng đến khám thì lại không bị lác mà do cấu tạo phân mạc 2 hốc mắt gần nhau hoặc xa nhau.

Tóm lại, trẻ bị lác không chỉ đơn giản là vấn đề thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến thị lực, vì vậy nếu nghi ngờ trẻ bị lác các bậc cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được các bác sĩ kiểm tra, đánh giá và được điều trị đúng, TS. Huy khuyến cáo.

Khánh Quyên

Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng sơ sinh (NTSS) là nhiễm trùng mắc phải trước, trong khi sinh hoặc tháng đầu sau sinh. Nhiễm trùng có thể do virust, vi trùng.

Tại sao trẻ bị nhiễm trùng?

Trẻ có thể bị nhiễm trùng qua các đường sau đây:

- Lây qua đường máu từ mẹ sang con: là đường lây truyền xảy ra trước sinh, thường gặp các tác nhân như: giang mai bẩm sinh, HIV, rubeola, cytomegalo virus, toxoplasmo.

- Lây qua đường ối: do nhiễm trùng tiết niệu sinh dục mẹ, mẹ bị hở cổ tử cung, vỡ ối sớm, thăm khám âm đạo nhiều.

- Lây qua đường tiếp xúc khi sinh: lúc ngang qua tử cung, âm đạo, âm hộ khi chuyển dạ kéo dài.

- Do môi trường: gây nhiễm trùng huyết sau sinh. Lây gián tiếp qua các vật dụng như: kim, ống chích, catheter, thông dạ dày, không rửa tay khi tiếp xúc bệnh nhân, môi trường nhiễm bẩn. Tăng nguy cơ khi nằm viện lâu, ngạt, hồi sức tại phòng sinh, non tháng, nhẹ cân.

 Phải đảm bảo vô trùng khi chăm sóc cho bé.
Làm thế nào biết trẻ bị nhiễm trùng?

Các dấu hiệu và triệu chứng dùng cho nhận biết NTSS rất đa dạng và dễ trùng lắp với những bệnh khác. Trẻ có thể không khỏe: ít chơi, ít cử động hơn so với bình thường. Nặng hơn trẻ có thể bị sốt hay hạ thân nhiệt, vàng da, bú kém hay bỏ bú. Trẻ có thể thở mệt (thở nhanh, ngực bụng co lõm bất thường), bụng chướng, tiêu chảy, tiêu ra đờm máu. Trẻ có thể có biểu hiện của nhiễm trùng tại chỗ ở: da, rốn, mắt.

Vậy khi nào mang trẻ khám bệnh?

Đưa trẻ đến bệnh viện ngay không chậm trễ khi: khó thở, co giật, sốt hoặc cảm thấy lạnh, chảy máu, tiêu chảy, quá nhẹ cân, hoàn toàn không bú được. Đưa trẻ đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt nếu trẻ: bú khó, mủ mắt, mụn mủ da, vàng da, rốn đỏ hoặc chảy mủ, bú dưới 5 lần trong 24 giờ.

Làm thế nào phòng ngừa NTSS?

Các biện pháp thực hiện trước khi sinh.

- Bà mẹ được khám thai, chủng ngừa đầy đủ. Điều trị tốt các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu sinh dục cho bà mẹ.

- Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, phòng suy dinh dưỡng cho bà mẹ.

- Chăm sóc vệ sinh cho bà mẹ mang thai tốt.

- Xử trí tốt những trường hợp ối vỡ sớm, ối vỡ non. Tránh để chuyển dạ kéo dài.

Khi sinh

- Bảo đảm sinh sạch. Tránh nhiễm trùng lây qua các dụng cụ, bàn tay người chăm sóc, cũng như những nhiễm trùng ở mẹ phải được điều trị tốt khi sinh.

- Tránh các biến chứng sản khoa: sinh ngạt, sang chấn sản khoa cho mẹ và con.

Các biện pháp thực hiện sau khi sinh:

- Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Đây là biện pháp rất quan trọng và hiệu quả trong phòng ngừa NTSS.

- Chăm sóc vệ sinh da, rốn, mắt.

- Phòng ốc cho trẻ sơ sinh cần thoáng, ấm, sạch và có ánh sáng đủ.

- Cho trẻ bú sữa mẹ.

ThS. LÊ KHÁNH V N

Tránh tái phát viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Câu hỏi:Con của em sinh được 1 tháng 5 ngày và sinh mổ nhưng thiếu gần 1 tháng. Bé được 2, 6kg nhưng bé lại bị viêm màng não đang chữa trị ở bệnh viện nhi đồng 2. Giờ bé khỏi bệnh rồi vậy cho em hỏi là sau khi về nhà em nên làm nhưng gì để không phải mắc bệnh viêm màng não nữa?

Trả lời:

BS. Nguyễn Văn An-Chuyên khoa Nội-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, cho biết:

Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não có thể do vi trùng hay siêu vi trùng. Đa số các trường hợp vi trùng hay siêu vi trùng từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa vì có nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp và là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng và siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.

Vì vậy để phòng ngừa bệnh viêm màng não bạn nên giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi, khi trẻ bị viêm hô hấp trên hay bị viêm amidan, viêm họng mủ cần phải điều trị tích cực và đầy đủ dưới sự theo dõi của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý uống thuốc kháng sinh hoặc tự ý bỏ thuốc. Nếu là viêm màng não dễ làm mất đi những triệu chứng quí giá ban đầu (giúp cho bác sĩ chẩn đóan chính xác). Tuy là viêm màng não nhưng không có những biểu hiện rõ, khó chẩn đoán và dễ bị bỏ sót, chỉ khi vào viên, được chọc dò tủy sống mới phát hiện ra.

BS. Nguyễn Văn An

Sinh mổ, kháng sinh và sữa công thức ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ

Kết quả cho thấy những em bé này có nguy cơ cao bị bệnh hen, bệnh tự miễn và béo phì.

So với trẻ sinh qua đường âm đạo, những trẻ được sinh mổ có tính đa dạng hình thái lớn hơn đáng kể trong những tuần sau sinh. Tuy nhiên, thông số này giảm ở trẻ được sinh mổ trong tháng đầu tiên, sau đó có biểu hiện thấp tới khi trẻ được 2 tuổi.

Theo GS Martin Blaaser, tác giả nghiên cứu ở ĐH New York, kết quả nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy các thực hành hiện nay đã làm thay đổi cộng đồng vi khuẩn ở trẻ trong năm đầu đời. Thay đổi phương thức sinh đẻ làm gián đoạn sự tương tác tự nhiên giữa đa dạng và thống trị.

Hơn nữa, việc điều trị bằng kháng sinh cũng làm giảm đáng kể sự đa dạng các loài vi khuẩn ngay sau khi sinh. Trẻ em được nuôi bằng sữa công thức bị giảm tính đa dạng vi khuẩn trong năm thứ 2 của cuộc đời.

Nghiên cứu được công bố trên tờ Science Translational Medicine tập trung vào hệ vi khuẩn, sự pha trộn các loài vi khuẩn sống trên da người và trong ruột và cùng phát triển với con người để đóng vai trò tiêu hóa, trao đổi chất và miễn dịch.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của thực hành hiện đại trong phát triển hệ vi khuẩn đường ruột ở 43 trẻ Mỹ, trong đó 24 trẻ được sinh qua đường âm đạo và 19 trẻ được sinh mổ. Sau đó họ sử dụng kỹ thuật di truyền và thống kê để phân tích hàng triệu mảnh ADN vi khuẩn trong các mẫu.

BS Tuyết Mai

(Theo Timesofindia)

Đề phòng tử vong sốt rét trẻ em

Các địa phương vùng sốt rét lưu hành và vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại cần đề phòng bệnh tấn công đối tượng trẻ em gây hậu quả tử vong.

Một trường hợp tử vong của bệnh nhi nữ, tên là Pui P. 5 tuổi, người dân tộc Gia Rai, cư trú tại xã Iao Ia, huyện Grai, tỉnh Gia Lai; còn nhỏ và ở với gia đình tại thôn bản, thuộc đối tượng không di biến động đi rừng, ngủ rẫy cùng với cha mẹ. Bệnh khởi phát ở nhà 3 ngày, khi vào bệnh viện được chẩn đoán sốt rét do nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum, thể tư dưỡng, mật độ ký sinh trùng 4 + (FT++++). Bệnh nhi tử vong trước 24 giờ tại bệnh viện tỉnh Gia Lai với nguyên nhân sốt rét ác tính đa phủ tạng.

Đặc điểm sốt rét trẻ em

Trẻ em là một đối tượng nguy cơ có thể dễ bị mắc bệnh sốt rét nếu không được phòng vệ tốt. Khi bị mắc bệnh, sốt rét ở trẻ em có những đặc điểm tùy thuộc lứa tuổi.

- Trẻ còn bú mẹ dưới 3 - 6 tháng tuổi ít bị mắc bệnh sốt rét và ít tử vong do sốt rét vì trong máu còn huyết sắc tố F (foetus = bào thai). Ngoài ra còn thụ hưởng kháng thể của người mẹ và do bú mẹ nên thiếu chất PABA (para-amino benzoic acid), vì vậy ký sinh trùng sốt rét không tổng hợp được acid folic để phát triển.

 Hướng dẫn nhân dân xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình tẩm mùng phòng, chống SXH và sốt rét.Ảnh: Đ.Duẩn

- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên sống tại vùng sốt rét lưu hành có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong do sốt rét thường cao hơn người lớn, cao nhất ở lứa tuổi từ 4 - 5 tuổi.

- Trẻ em ở lứa tuổi từ 1 - 4 tuổi bị mắc bệnh sốt rét, đặc điểm lâm sàng thường hay gặp là có cơn co giật khi có sốt cao, triệu chứng rối loạn tiêu hóa xảy ra khá phổ biến như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, bụng trướng đầy hơi. Ngoài ra còn bị thiếu máu nhanh, lách sưng dễ dàng, tình trạng rối loạn dinh dưỡng phát triển nhanh. Chu kỳ cơn sốt thường không đều đặn, đôi khi không có giai đoạn rét run, đường huyết thường giảm, hiếm gặp biến chứng nặng ở gan được biểu hiện bằng bilirubin và men SGOT (Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminase), SGPT (Serum Glutamic Pyruvic Transaminase) cao và cũng hiếm gặp biến chứng ở thận với suy thận cấp tính thực thể. Một đặc điểm khác được ghi nhận là bệnh nhi thường hay bị ho và có triệu chứng viêm khí quản, phế quản. Tỷ lệ sốt rét trẻ em ở lứa tuổi này chuyển thành sốt rét ác tính thể não thấp hơn so với người lớn.

Trẻ em là một đối tượng nhạy cảm và có nhiều nguy cơ, khi bị mắc bệnh sốt rét nếu không được cơ sở y tế phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ chuyển sang sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.

Sốt rét ác tính trẻ em

Trẻ em bị sốt rét ác tính thường được biểu hiện bằng các triệu chứng sốt cao, thiếu máu, rối loạn ý thức khi điểm Blantyre dưới 5, hôn mê khi điểm Blantyre bằng hoặc dưới 3, bị co giật, hạ đường huyết, rối loạn tiêu hóa, toan chuyển hóa... Sốt rét ác tính ở trẻ em nếu không được xử trí, điều trị kịp thời sẽ dễ chuyển đến tử vong.

Trong điều trị đặc hiệu, sử dụng thuốc artesunate tiêm. Dùng lọ thuốc có 60mg bột artesunate pha với 1ml natri bicarbonate 5%, lắc kỹ cho bột artesunate tan hoàn toàn, dung dịch trong suốt, sau đó pha thêm 5ml natri chlorure 0,9% để tiêm tĩnh mạch. Dùng liều giờ đầu 2,4mg/kg cân nặng; tiêm nhắc lại 1,2mg/kg cân nặng vào giờ thứ 12 của ngày đầu. Sau đó, mỗi ngày tiêm một liều 1,2mg/kg cân nặng đến khi bệnh nhi tỉnh, có thể uống được, chuyển sang dùng thuốc dihydroartemisinine-piperaquine cho đủ liều điều trị.

 

Nếu tại cơ sở y tế không có cân trọng lượng, có thể dùng thuốc artesunate tiêm căn cứ theo lứa tuổi được quy định trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trong kỹ thuật pha dung dịch thuốc, việc pha thêm 5ml natri chlorure 0,9% vào lọ thuốc sau khi 60mg bột thuốc đã được hòa tan với ống thuốc 1ml natri bicarbonate 5% với mục đích để chia liều lượng chính xác cho bệnh nhân là trẻ em; cần chú ý đến vấn đề này.

Ngoài điều trị đặc hiệu bằng thuốc sốt rét artesunate tiêm, các cơ sở y tế phải quan tâm đến việc điều trị triệu chứng và biến chứng sốt rét ác tính trẻ em trong nhiệm vụ hồi sức cấp cứu chung nhưng chú ý đến các biện pháp điều trị chống co giật, xử trí hạ đường huyết, xử trí tình trạng thiếu máu và điều chỉnh tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, kiềm toan. 

Các cơ sở y tế, kể cả y tế tuyến đầu nên phát động khẩu hiệu hành động “không có sốt rét ác tính, không có tử vong” để tập trung phấn đấu thực hiện tốt việc phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét thể thông thường; nhất là đối tượng trẻ em. Không để sốt rét thể thông thường có điều kiện chuyển sang sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.               

 

BS.Nguyễn võ hinh

Hút thuốc thụ động liên quan với dị ứng thực phẩm ở trẻ

“Phơi nhiễm sớm với khói thuốc thụ động là yếu tố nguy cơ đã được biết gây bệnh hen, nhạy cảm thực phẩm và eczema ở trẻ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xem xét về tác động của nó lên các triệu chứng liên quan đến thực phẩm ở trẻ”, đồng tác giả nghiên cứu Anna Bergstrom thuộc Viện Karolinska ở Thụy Điển cho biết.

Trong nghiên cứu mới này, các tác giả đã theo dõi sức khỏe của gần 3.800 trẻ em Thụy Điển trong khoảng từ năm 1994 đến 1996. Những trẻ này được theo dõi đến khi 16 tuổi. Nhóm nghiên cứu cũng khảo sát định kỳ cha mẹ của trẻ để xem liệu trẻ có các dấu hiệu dị ứng thực phẩm hay không. Trẻ cũng được kiểm tra để xem có phản ứng với một số loại kháng nguyên trong thực phẩm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trẻ có cha mẹ hút thuốc khi chúng mới được 2 tháng tuổi dễ có các dấu hiệu dị ứng thực phẩm, đặc biệt là dị ứng trứng và lạc. Tuy nhiên, nghiên cứu này không chứng minh rằng phơi nhiễm khói thuốc thụ động trực tiếp gây dị ứng thực phẩm mà chỉ cho thấy mối liên quan giữa các yếu tố.

Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Học viện Dị ứng, hen & miễn dịch Hoa Kỳ.

BS P.Liên

(Theo Healthday)