PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng - Chuyên khoa Nhi - Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng, cho biết:
Trẻ bị các bệnh đường hô hấp đều có thể ho khan. Ho cũng có thể do bé đi ngủ ngay sau khi ăn uống hoặc do ban ngày con trẻ vui đùa, chạy nhảy quá nhiều. Cũng có nhiều trẻ bị ho nhiều về đêm là do trẻ bị cảm lạnh, viêm xoang. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng khi trẻ ho, không ngủ được. Trẻ bị hen cũng hay bị ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ kích ứng về đêm. Ngoài ra có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay bị ho nhiều về đêm. Để có kết luận chính xác nhất về tình trạng ho của trẻ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh chữa ho cho trẻ.
Cách chăm sóc bé bị ho đêm: Có thể sử dụng các bài thuốc dân gian để giảm ho cho trẻ. Đó là cách dùng quất hấp mật ong, mật ong với lá húng chanh, lá hẹ… chắt lấy nước cho con uống. Những cách này giúp bé giảm ho hiệu quả mà không lo ảnh hưởng bởi tác dụng phụ. Ngoài cách sử dụng các bài thuốc dân gian, nên hạn chế cho bé ăn uống sát giờ trước khi đi ngủ. Tốt nhất nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ ít nhất là một giờ. Trước khi cho bé đi ngủ, hãy cho uống một thìa mật ong ấm. Mật ong ấm sẽ giúp con hạn chế cơn ho, làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn.
Bạn cũng lưu ý không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi. Khi đi ngủ, nên kê cao gối cho trẻ, đầu và vai cao hơn thân để ngăn đờm nhớt hay nước mũi chảy xuống họng. Hãy giữ ấm cho con khi ngủ, không hở bụng, hở tay dễ khiến con bị nhiễm lạnh và ho nhiều hơn.
Trường hợp bị ho nhiều, nên cho bé uống nhiều nước, ăn cháo loãng dễ tiêu hóa, hạn chế ăn các loại thức ăn dễ kích thích như tôm, cua, ghẹ.
Tránh xa bé khỏi môi trường ô nhiễm như môi trường nhiều khói thuốc lá, bụi đường.
Các trường hợp bé ho nhiều kéo dài, ho sâu, khó thở, đau bụng, nên đưa đến khám Bác sĩ. Không tự ý sủ dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng